Viêm tai giữa cấp tính là gì? Dấu hiệu & Cách điều trị

Trong các bệnh lý tai mũi họng thì viêm tai giữa cấp là bệnh phổ biến hơn hẳn, có thể gặp ở nhiều đối tượng song chủ yếu vẫn là trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Bệnh có nhiều triệu chứng dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác. Do đó nhiều người chủ quan không điều trị đúng cách dẫn đến những hệ quả đáng tiếc, đặc biệt là mất thính lực hoàn toàn.. Vậy bệnh viêm tai giữa cấp là bệnh gì, có triệu chứng như nào, điều trị ra sao cũng như phải phòng tránh bằng cách gì, mời bạn đọc theo dõi trong bài viết dưới đây.

Viêm tai giữa cấp là gì?

Viêm tai giữa cấp tính hay còn gọi tắt là viêm tai giữa cấp là một bệnh lý ở tai. Đây là tình trạng tai giữa bị tổn thương, viêm nhiễm do nhiễm trùng. Bệnh xảy ra ở phần tai giữa, ở phía sau màng nhĩ.

Bệnh viêm tai giữa cấp xuất hiện trong thời gian ngắn với nhiều triệu chứng điển hình, có thể trong vòng 2 – 3 tuần sau đó thuyên giảm dần. 

Viêm tai giữa cấp với các triệu chứng viêm nhiễm, có mủ ở tai

Bệnh có thể tái phát nhiều lần và thời gian kéo dài hơn thành viêm tai giữa mạn tính. Theo các bác sĩ bệnh được chia thành 2 dạng bao gồm:

  • Viêm tai giữa cấp với các triệu chứng viêm nhiễm dai dẳng, tổn thương khiến tai chảy dịch, đôi khi có mủ hôi tanh.
  • Viêm tai giữa có dịch tiết với các triệu chứng không rõ ràng, không nhiễm trùng nhưng người bệnh luôn có cảm giác bị nặng tai và đau nhức ở tai.

Dấu hiệu của viêm tai giữa cấp

Bệnh viêm tai giữa cấp thường gặp ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh do sức đề kháng còn yếu và cơ thể chưa hoàn thiện. Song cũng không hiếm người lớn mắc phải căn bệnh này.

Khi mắc bệnh, cả người lớn và trẻ nhỏ đều có những dấu hiệu như:

  • Sốt nhẹ, sốt vừa hoặc sốt cao. Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi thường lên cơn sốt 39 độ đến 40 độ nguy hiểm.
  • Viêm họng, viêm mũi, dị ứng mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, sưng họng,…
  • Tai bị đau nhức, sưng đỏ, xung huyết và viêm đỏ ở màng nhĩ và cả phần bên ngoài của tai.
  • Có dịch chảy ra từ trong tai, đôi khi có cả mủ hôi tanh.

Bên cạnh đó, với trẻ nhỏ đặc biệt trẻ dưới 6 tháng tuổi còn xuất hiện các triệu chứng khác như:

  • Quấy khóc, chán ăn, bỏ bú, bị nôn trớ khi ăn.
  • Sốt cao kèm triệu chứng co giật, nôn mửa rất nguy hiểm.
  • Rối loạn tiêu hoá, đi ngoài phân lỏng, tiêu chảy,…

Nguyên nhân bệnh viêm tai giữa cấp

Viêm tai giữa cấp tính do nhiều nguyên nhân gây ra và ở người lớn hay trẻ nhỏ sẽ do nguyên nhân khác nhau. 

   –  Ở trẻ nhỏ

Trong cấu trúc của tai gồm có vòi ót-tát chạy dọc từ tai đến sau cổ họng. Khi còn nhỏ, cấu trúc của tai chưa phát triển hoàn thiện nên vòi ót-tát ngắn và ngang hơn so với người lớn do đó dễ bị nhiễm trùng. Ống eustachian bị sưng và tắc khiến dịch trong tai giữa bị kẹt lại ở đây dẫn đến viêm tai giữa.

Hoặc cũng có thể do vòi nhĩ bị tắc xẹp, mềm hay do cơ chế sinh học mở đóng vòi gặp vấn đề. 

Nhìn chung do cấu tạo và chức năng của tai ở trẻ nhỏ chưa hoàn thiện, hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện nên rất dễ bị mắc bệnh.

   –  Ở người lớn

Với trẻ lớn hơn và người trưởng thành thì nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm tai giữa cấp chủ yếu là do môi trường và các tác động từ bên ngoài, ví dụ như:

  • Bơi lội trong môi trường nước không đảm bảo, sau khi bơi lội không vệ sinh và lau khô sạch sẽ tai.
  • Sau khi tắm không lau khô tai và để nước đọng lại trong tai lâu ngày.
  • Không vệ sinh tai, lấy ráy tai sạch sẽ và đúng cách.
  • Hút thuốc lá.
  • Một số bệnh cũng gây viêm tai giữa như cảm cúm, cảm lạnh, xoang mũi, phì đại VA,…

Bên cạnh đó thì một số trường hợp cả người lớn và trẻ nhỏ mắc viêm tai giữa do thói quen sinh hoạt hàng ngày:

  • Lấy ráy tai quá sâu hoặc sai cách.
  • Không lấy ráy tai thường xuyên, không vệ sinh tai đúng cách.
  • Không lau khô tai sau khi tắm, bơi lội,…

Viêm tai giữa cấp có nguy hiểm không?

Là một bệnh lý tai mũi họng rất dễ gặp nhưng bệnh cần được điều trị đúng cách sớm nhất, đặc biệt khi đối tượng là trẻ nhỏ. 

Viêm tai giữa cấp kéo dài hoặc điều trị không dứt điểm sẽ dẫn đến tái phát nhiều lần sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính với nhiều triệu chứng dai dẳng và nguy hiểm hơn.

Trong giai đoạn cấp tính thường người bệnh sẽ không gặp hiện tượng chảy dịch ở tai. Song bệnh kéo dài sẽ làm tình trạng viêm nhiễm nặng hơn, xuất hiện dịch mủ chảy ra từ trong tai. 

Bệnh viêm tai giữa cấp tính nếu không chữa sớm hoặc chữa đúng cách sẽ dẫn đến chảy mủ ở tai, rách màng nhĩ. Rất nhiều trường hợp nặng có thể ảnh hưởng đến khả năng của tai, gây viêm tai xương chũm mạn tính, gây điếc, khiếm thính cực kỳ nguy hiểm. 

Cách điều trị viêm tai giữa cấp

Rất nhiều người khi thấy có những dấu hiệu của bệnh thường tự ý sử dụng thuốc kháng sinh mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. 

Song các bác sĩ bệnh viện An Việt cho biết, tuỳ thuộc vào tình trạng mỗi người mà có phương pháp điều trị thích hợp, không nhất thiết sử dụng kháng sinh.

Thống kê cho thấy có tới hơn 80% trường hợp bệnh nhân tình trạng nhẹ có thể tự khỏi sau 5 – 7 ngày mà không cần dùng kháng sinh.

Nguyên tắc điều trị viêm tai giữa cấp theo quy trình gồm giảm đau, chống nhiễm khuẩn và theo dõi sau điều trị.

   –  Phương pháp giảm đau nhức tai và hạ sốt

Trước tiên, cần phải hạ sốt cho người bệnh đặc biệt là trẻ nhỏ. Bởi khi trẻ dưới 1 tuổi bị sốt cao (trên 39 độ) thường xuất hiện triệu chứng nôn và co giật rất nguy hiểm. 

  • Dùng khăn ẩm và hơi ấm áp lên trán và tai bị viêm.
  • Nhỏ tai bằng thuốc không kê đơn. 
  • Uống thuốc hạ sốt, giảm đau như ibuprofen, paracetamol.
  • Thay đồ thông thoáng, rộng rãi,…

   –  Chữa viêm tai giữa cấp nội khoa

Tuỳ thuộc tình trạng mỗi người mà bác sĩ kê đơn thuốc phù hợp, thời gian uống khoảng 1 tuần và có thể thay kháng sinh khác mạnh hơn nếu trong 3 ngày đầu mà không thuyên giảm.

  • Dùng kháng sinh amoxicillin, azithromycin, augmentin, cephalosporin,…
  • Dùng thuốc nhỏ tai giảm đau theo đơn.
  • Nếu có chảy dịch mủ thì dùng kết hợp thêm hydrocortisone để nhỏ tai.

Lưu ý: Phải tuân thủ nghiêm chỉnh lời khuyên và đơn thuốc của bác sĩ chuyên khoa, không tự ý sử dụng thuốc và phải dùng kháng sinh đủ liều cho dù đã khỏi hay chưa.

   –  Điều trị ngoại khoa

Trong trường hợp bệnh có triệu chứng nặng, tình trạng viêm nhiễm nặng, tái phát nhiều lần bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật.

  • Nạo VA, cắt VA hoặc cắt amidan khi có đi kèm triệu chứng viêm họng, viêm amidan.
  • Phẫu thuật đặt ống thông khí ở ống tai để dẫn dịch và không khí ra ngoài.

Sau quá trình điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật ngoại khoa, người bệnh cần đi khám lại sau 1 -2 tuần để kiểm tra lại đã hết nhiễm trùng và hết dịch hay chưa. 

Từ đó các bác sĩ sẽ có lời khuyên tiếp theo tuỳ thuộc vào từng tình trạng cụ thể.

Cách phòng bệnh viêm tai giữa

Bệnh viêm tai giữa có thể phòng tránh qua cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Dưới đây là những biện pháp phòng tránh và chế độ sinh hoạt hiệu quả.

  • Cho trẻ tiêm phòng, tiêm vắc xin đủ và đúng liều, nhất là phòng cúm và phế cầu khuẩn.
  • Hạn chế dùng núm vú giả cho trẻ.
  • Vệ sinh cơ thể trẻ sạch sẽ và đúng cách, giữ ấm cơ thể bé trong mùa lạnh.
  • Sau khi tắm xong chú ý lau khô tai.
  • Thường xuyên lấy ráy tai sạch sẽ và đúng cách, không lấy ráy tai nhiều lần hay quá sâu.
  • Tránh xa khói thuốc lá.
  • Xây dựng chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học và hợp lý, thường xuyên tập luyện, rèn luyện cơ thể.
  • Thường xuyên khám sức khoẻ định kỳ.

Trên đây là những thông tin tổng quát về bệnh viêm tai giữa cấp tính ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Khi gặp những triệu chứng của bệnh bạn hãy đến ngay bệnh viện An Việt để khám và điều trị kịp thời tránh để lại những hậu quả đáng tiếc. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào cần giải đáp về bệnh tai mũi họng bạn đọc có thể liên hệ bệnh viện đa khoa An Việt qua hotline 1900.2838 để được tư vấn trực tiếp.